Dân gian ta có câu : Có thờ có thiêng, có kiêng có lành,vậy những điều nên làm, nên kiêng đó là gì, hãy cùng tetvn tìm hiểu để bắt đầu một năm mới đầy tài lộc nhé

Những việc nên làm trong những ngày Tết
Ngày mùng 1: thường được gọi là ngày Nguyên Đán, ý nói ngày khởi đầu của mọi tốt đẹp, là lúc ai ai cũng hồi tưởng về cội nguồn tổ tiên (dòng họ bên nội). Vì thế, dân gian gọi Mùng 1 Tết Cha.
Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi
“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, đây là lời nhắc nhở của người xưa về những việc nên làm vào đầu năm và cuối năm.
Theo quan niệm cha ông ta, muối có trừ tà ma, mang lại may mắn cho gia đình. Muối mặn cũng là biểu tượng của tình cảm mặn nồng, ấm áp, no đủ. Chính vì vậy, người Việt thường mua muối sáng mùng 1 tết với ý nghĩa cầu mong sự đậm đà, tràn đầy trong tình cảm.
Mặc đồ màu đỏ, đi lễ chùa

Màu đỏ là biểu tượng của may mắn, sung túc. Vậy, trong ngày tết mọi người thường mặc quần áo màu đỏ để mang lại nhiều may mắn.
Người Việt có truyền thống đi lễ chùa đầu năm mới để cầu may, hạnh phúc và sức khỏe
Ngày mùng 2: với triết lý có Dương thì phải có Âm nên vào ngày này, con cái thường nhớ và đến thăm hỏi chúc Tết bên ngoại. Vì thế, mùng 2 gọi là Tết Mẹ.
Ngày mùng 3: với ý nghĩa “Tam sinh vạn vật” và truyền thống văn hiến “Tôn sư trọng đạo”, người Việt mặc định đây là ngày người người tưởng nhớ tới công đức dạy dỗ của những thầy/cô vì đây là những người chỉ dẫn cho chúng ta tri thức và đạo đức sống.
Sau ba ngày mở đầu tốt đẹp của năm mới, chúng ta có thể du sơn ngoạn thủy tùy ý để cầu nguyện cho một năm mới nhiều điều phúc lộc tránh khỏi mọi tai ương họa hại.
Và những điều cần tránh trong ngày tết
Sau những điều nên làm của các cổ nhân, phong tục tập quán người Việt cũng cho thấy, việc kiêng kị trong những ngày Tết rất đáng quan tâm.
Một số lưu ý theo phong tục cổ truyền cần làm và kiêng kị trong những ngày đầu năm mới như sau:

Vào ngày 30 nên dọn nhà sạch sẽ, đổ hết rác trong nhà. Tối trước khi đón Giao thừa nên đóng kín cửa nhà, điện đèn trong và ngoài nhà bật sáng. Khi đón Giao thừa thì mở cửa chính thắp hương ngoài trời.
Sáng 6 giờ xông trầm hương (không có thì đốt nhiều hương bài, hương thơm) cho toàn bộ nhà từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài rồi mới mở toàn bộ các cửa nhà đón khí nguyên đán.
Bắt đầu từ sáng mùng 1 đến hết 3 ngày Tết, tránh quét nhà đổ hết rác, tránh nói những điều xui xẻo, không nghe những nhạc buồn quá hoặc ầm ĩ quá, không ăn các thức ăn có màu đen hoặc hương vị quá nặng.
Người Việt đặc biệt tối kỵ kiêng đổ vỡ, cãi vã, đánh nhau vì theo quan niệm người xưa, đổ vỡ là chia ly, đau khổ, những điều không tốt sẽ đến với gia đình trong năm mới.
Người có tang tế không nên xông nhà hay đến nhà bạn bè, người thân chơi trong 3 ngày Tết. Quan niệm này không chỉ tồn tại trong ngày Tết mà còn cả với các đám cưới, về nhà mới.
Ngày đầu năm đều tránh cho vay

đi vay, đòi nợ hay trả nợ. Vì theo quan niệm, nếu đi vay thì cả năm sẽ túng thiếu cùng quẫn còn cho vay thì tiền bạc phân tán, không được may mắn, phát đạt.
Theo tín ngưỡng dân gian, hai ngày đầu năm là ngày sinh của thủy thần nên cần kiêng giặt quần áo để không mạo phạm đến thần, dẫn đến gặp xui xẻo. Thực ra, người xưa chẳng có nhiều quần áo để giặt, và ngày Tết là dịp nghỉ ngơi, tiết trời lạnh, việc ngừng giặt hai ngày cũng chẳng mấy ảnh hưởng đến họ.
Dù là loại tủ gì, kể cả tủ quần áo, cũng không nên mở vào ngày mùng 1 Tết, bởi việc này sẽ làm thất thoát tiền tài và vận may suốt cả năm. Vì thế, người xưa thường chuẩn bị sẵn quần áo cần mặc, treo ra ngoài trước giao thừa.
Chọn người xông nhà năm mới
Ngoài những việc cần làm và nên tránh trong những ngày Tết, người Việt còn chú trọng tuổi/người xông nhà.
Theo quan niệm của người xưa, người đầu tiên bước chân vào nhà của gia chủ vào ngày mùng 1 Tết là người xông nhà (hay còn gọi là xông đất). Người này thường được gia chủ “đặt hàng” trước và họ thường thỏa thuận điều kiện là “hợp tuổi” với gia chủ hoặc người hay gặp nhiều may mắn, thành công trong cuộc sống.
Chọn tuổi xông đất ( đạp đất)

Việc chọn tuổi xông nhà hiện có nhiều quan điểm trái ngược nhau. Người thì cho rằng nên chọn người tâm tính tốt bụng, hiền hòa, vui vẻ, gia đình hạnh phúc và công việc tốt chứ không nhất thiết phải chọn tuổi. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, người xông nhà phải có tuổi hợp với gia chủ và năm đó. ngoài ra cũng nên tham khảo thêm về mệnh nạp âm giữa hai bên (gia chủ và người xông đất) cũng cần cẩn trọng xem vận mệnh và tướng mạo của người xông đất, nên là người tươi tắn, nhanh nhẹn, tránh thô xấu, hoặc có vẻ mặt buồn rầu… đặc biệt tránh người đang có tang tế.
Tất cả những điều trên đều nhằm thể hiện một sự khởi đầu thành công, trọn vẹn mong ước an khang – thịnh vượng của người Việt trong năm mới, vì thế gia chủ chỉ nên lưu ý, không mê tín để có 1 cái Tết vui vẻ ấm cúng cùng gia đình. Trước thềm năm mới tetvn.com xin kính chúc quý độc giả “AN KHANG THỊNH VƯỢNG và HẠNH PHÚC”.